DIỄN ĐÀN VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

DIỄN ĐÀN VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN

Giúp các bạn trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình công tác
 
Trang ChínhGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập

 

 Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa hiện nay

Go down 
Tác giảThông điệp
kiemhoang
Admin
Admin
kiemhoang


Tổng số bài gửi : 43
Join date : 17/02/2017

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa hiện nay Empty
Bài gửiTiêu đề: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa hiện nay   Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa hiện nay I_icon_minitime19/2/2017, 10:00

Vừa qua, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ra Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết, việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa đóng vai trò quan trọng, cấp thiết.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa hiện nay Anh134040957

Hoạt động “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” (4-2014). (Nguồn: tuyengiao.vn)

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội; là năng lực sáng tạo, trí tuệ, tài năng, đạo đức của con người; trụ cột phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc và nhân loại.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đã chứng minh: nhờ có nền tảng văn hóa, hòa nhập và phát triển, nên nhân dân ta đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức sáng tạo to lớn để thắng “thiên tai, địch họa”, giữ vững nền độc lập và bản sắc văn hóa. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thì vai trò của văn hóa càng được khẳng định, nhất là trong điều tiết, cân bằng sự phát triển của đất nước, không để sự phát triển nhanh, nóng, dẫn tới những hệ lụy khó lường cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, v.v.

Trong sự tồn tại và phát triển của văn hóa thì quản lý văn hóa đóng vai trò rất quan trọng. Trên phương diện vĩ mô, hoạt động quản lý văn hóa sẽ góp phần định hướng, điều chỉnh sự phát triển của văn hóa quốc gia, giúp hiện thực hóa các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng cầm quyền, từ đó tác động đến mục tiêu, bản chất của văn hóa dân tộc. Trên phương diện vi mô, hoạt động quản lý văn hóa trong các lĩnh vực, địa bàn, nhóm dân cư cụ thể sẽ giúp kiểm soát sự tùy tiện, sai lệch trong khi thực thi các cơ chế, chính sách của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Những năm qua, quán triệt tinh thần: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”1 của Đảng, hoạt động quản lý văn hóa ở Việt Nam đã có những kết quả khả quan. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế văn hóa ngày càng được kiện toàn theo hướng thiết thực, hiệu quả. Ngành văn hóa đã tập trung xây dựng, ban hành và trình các cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đồng bộ, có giá trị pháp lý cao trên lĩnh vực văn hóa, tạo điều kiện để hoạt động quản lý ngày càng thuận lợi. Một số Luật đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành, đáp ứng tình hình thực tiễn, như: Luật Di sản vǎn hóa, Luật Điện ảnh, Luật Thể dục thể thao, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Du lịch, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Quảng cáo, Pháp lệnh Thư viện,… Bên cạnh đó, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng được xây dựng và hoàn thiện, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý văn hóa. Qua đó, đã tạo điều kiện cho sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế trong kinh doanh và hoạt động văn hóa, khuyến khích sự mở cửa, giải phóng các nguồn lực, huy động được sự tham gia của toàn xã hội chung tay xây dựng và phát triển văn hóa. Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa ngày càng được kiện toàn và củng cố. Công tác “chuẩn hóa” cán bộ bước đầu phát huy tác dụng; đội ngũ cán bộ quản lý ngành văn hóa được đảm bảo về phẩm chất chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học,… Các thiết chế văn hóa từ Trung ương tới địa phương từng bước được hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động. Nhiều trung tâm văn hoá - thông tin - thể thao, nhà hát, câu lạc bộ, rạp chiếu phim, khu di tích lịch sử - văn hoá, bảo tàng, thư viện, nhà triển lãm, cửa hàng sách, báo, khu vui chơi giải trí,… có những đổi mới về phương thức hoạt động, cơ sở vật chất được cải thiện. Một số công trình có quy mô lớn, kiến trúc đẹp, chất lượng phục vụ tốt đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao và đa dạng của người dân. Việc kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hóa được thực hiện thường xuyên, liên tục, bảo đảm sự vận hành của các hoạt động văn hóa. Nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận đã được thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời. Nhờ hoạt động thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào quy củ, công tác quản lý văn hóa đã có những chuyển biến tốt. Cơ chế quản lý văn hóa đã bám sát thực tiễn đời sống văn hóa đất nước, đáp ứng nhu cầu của người dân, khuyến khích được sức sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của các chủ thể văn hóa, tạo điều kiện gia tăng và đa dạng hóa các sinh hoạt văn hóa và loại hình giải trí. Chính sách xã hội hóa trong văn hóa đã khuyến khích được nhiều nguồn lực tham gia xây dựng và phát triển văn hóa đất nước, v.v.

Hoạt động quản lý văn hóa thời gian qua đã góp phần đảm bảo định hướng lớn của Đảng trong việc “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”2. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy, bản sắc văn hóa dân tộc không bị mai một, hòa tan trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Nhiều giá trị văn hóa mới, tiến bộ đã được xác lập, củng cố trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái đẹp của văn hóa nhân loại. Hoạt động quản lý văn hóa cũng làm cho văn hóa trở thành một tác nhân kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Có thể nói, công tác quản lý nhà nước về văn hóa đã góp phần hiện thực hóa quan điểm của Đảng “Văn hóa… vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩ sự phát triển kinh tế - xã hội”3. Từ một lĩnh vực bị xem là chủ yếu mang chức năng giáo dục, tuyên truyền, văn hóa đã dần trở thành một lĩnh vực có giá trị kinh tế, mang lại lợi nhuận, góp phần nâng cao đời sống người dân, ổn định an ninh xã hội. Chủ trương sáp nhập lĩnh vực văn hóa với thể thao và đặc biệt là với du lịch là đúng đắn, thể hiện tầm nhìn vĩ mô về văn hóa trong tiến trình phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Hiện nay, tuy chúng ta đang tiến hành quản lý văn hóa trong cơ chế kinh tế thị trường, nhưng dấu ấn của cơ chế bao cấp vẫn còn khá sâu đậm, khiến cho nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức văn hóa vẫn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa phát huy tốt tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa chưa phát huy hiệu quả cao. Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ. Một số văn bản pháp luật về văn hóa chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn, việc tổ chức thực hiện còn chậm, một số văn bản chưa thực sự đi vào cuộc sống. Công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy nhân sự ngành Văn hóa, nhất là khi mới sáp nhập thành bộ đa ngành còn nhiều lúng túng. Trong khi quản lý văn hóa là một công việc rất phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi cả về kiến thức, kỹ năng lẫn tâm huyết, tinh thần trách nhiệm, thì một số cán bộ trong lĩnh vực này (nhất là cấp cơ sở) luôn biến động, còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng yêu cầu công tác. Thực tế cho thấy, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa ở một số địa phương và lĩnh vực cụ thể chưa cao. Sự tách bạch giữa quản lý nhà nước với hoạt động tác nghiệp chưa rõ, vẫn còn sự trùng chéo, nhầm lẫn giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng triển khai các hoạt động mang tính sự nghiệp. Có lúc, có nơi còn có biểu hiện buông lỏng quản lý, nhất là trong các lĩnh vực như: di sản văn hóa, tổ chức lễ hội, bản quyền tác giả,… Việc xây dựng và tổ chức thực hiện nội dung quản lý ở một số đơn vị còn yếu, ngân sách sử dụng chưa hiệu quả. Đặc biệt, còn lúng túng trong xử lý các hiện tượng văn hóa mới, như: văn hóa trên in-tơ-nét, văn hóa mạng, văn hóa giới trẻ, văn hóa các nhóm thiểu số trong xã hội, các loại hình nghệ thuật đương đại,… Việc tổ chức một số phong trào văn hóa còn mang tính hình thức, bề nổi; nội dung phong trào còn nghèo nàn, hiệu quả xã hội chưa cao. Công tác quản lý tổ chức các lễ kỷ niệm, sự kiện, festival,… còn chưa sát sao, để xảy ra tình trạng lãng phí, phô trương, hình thức. Hệ thống các thiết chế văn hóa vùng nông thôn (nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) còn thiếu; khoảng cách chênh lệch trong hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, các bộ phận dân cư còn cao. Việc kiểm soát xu thế thương mại hóa văn hóa thái quá trong kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa và sự phục hồi, bùng phát hiện tượng mê tín dị đoan, các hủ tục còn chưa hiệu quả, v.v.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do văn hóa là một ngành đa lĩnh vực, rất phức tạp, nhạy cảm, chứa đựng cả những yếu tố vật thể và phi vật thể, mang tính đặc thù cao, nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, văn hóa dân tộc đang bị chi phối bởi mặt trái của kinh tế thị trường, với những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, nên thường xuyên xuất hiện những vấn đề, hiện tượng văn hóa mới, phức tạp, không dễ giải quyết một sớm một chiều. Quan niệm về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền một số địa phương cũng như người dân chưa đầy đủ, sâu sắc, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý. Hệ thống luật pháp liên quan đến văn hóa chưa đồng bộ, còn nhiều khoảng trống hoặc trùng chéo. Nguồn ngân sách dành cho hoạt động quản lý chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Năng lực nguồn nhân lực quản lý văn hóa của đất nước vẫn còn nhiều hạn chế, v.v.

Để tiếp tục đưa văn hóa vào mọi mặt đời sống của xã hội, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, thời gian tới, công tác quản lý văn hóa phải có những giải pháp quyết liệt, mang tính đổi mới căn bản và toàn diện. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 33-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác quản lý văn hoá cần chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy nhanh việc củng cố, hoàn thiện thể chế quản lý văn hóa. Theo đó, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần kịp thời triển khai, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), làm cơ sở để xây dựng và ban hành những chính sách mới về văn hóa; tích cực hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, quyền tác giả và các quyền liên quan phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh điều chỉnh hệ thống chính sách phù hợp với tính đặc thù của văn hóa, nghệ thuật; bổ sung các chính sách “kinh tế trong văn hóa” và “văn hóa trong kinh tế”, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Nhà nước cần tiếp tục hoàn chỉnh các chính sách về xã hội hóa văn hóa; xây dựng các chính sách văn hóa đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là vấn đề rất quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa. Vì thế, các cấp cần thay đổi cách tư duy và phương thức tổ chức, điều hành văn hóa, khắc phục cung cách quan liêu, mệnh lệnh - hành chính, chủ quan, áp đặt từ trên xuống. Mặt khác, phải đổi mới cách thức quản lý và cung ứng dịch vụ công, nhằm đề cao trách nhiệm, hiệu lực quản lý của Nhà nước; kiên quyết loại trừ cơ chế “xin - cho” trong đầu tư cho văn hóa. Mọi kế hoạch phát triển văn hóa phải được xây dựng dựa trên nhu cầu, điều kiện thực tiễn và chiến lược phát triển tổng thể của Ngành và đất nước, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác cải cách hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc; chú trọng hiện đại hóa công sở, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý văn hóa.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế quản lý đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Với phương châm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phi tập trung hóa trong quản lý văn hóa, Nhà nước cần tăng cường phân cấp cho địa phương để gia tăng trách nhiệm quản lý ở cấp cơ sở. Đồng thời, xác định rõ những lĩnh vực cần can thiệp hoặc không can thiệp. Theo đó, Nhà nước chỉ quản lý ở tầm vĩ mô, không lấn sân, làm thay công việc của người dân; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực văn hóa; tiến hành rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra văn hóa, gắn với trách nhiệm cá nhân và tổ chức khi để xảy ra sai phạm. Các cấp cần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và công dân đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân có đóng góp hiệu quả trong công tác quản lý văn hóa.

Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa. Các cấp cần thực hiện tốt công tác “chuẩn hóa” cán bộ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ trong hàng ngũ lãnh đạo, quản lý, tham mưu cũng như công chức, viên chức ngành Văn hóa. Thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, có chế độ đãi ngộ cán bộ phù hợp; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý văn hóa.

Thứ sáu, tăng cường cơ chế phối hợp trong quản lý văn hóa với các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là với các cơ quan giáo dục, thông tin truyền thông, pháp luật, an ninh,… Chủ động xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng, v.v.

Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, đa dạng và phức tạp. Do vậy, quản lý văn hóa luôn phải đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn. Để đạt được những bước đột phá trong công tác này theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa, những năm tới, đòi hỏi ngành Văn hóa, từ cấp lãnh đạo đến địa phương, cơ sở cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Ngành phải có những cố gắng, nỗ lực cao, đưa văn hóa dân tộc hoạt động đúng hướng, bắt kịp thực tiễn phát triển của đất nước và xu thế hội nhập toàn cầu mạnh mẽ trên thế giới hiện nay.

HOÀNG TUẤN ANH, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
__________________________

1 - Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín BCHTƯ Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ban hành ngày 09-6-2014 (Báo Nhân dân, ngày 12-6-2014).

2, 3 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thư năm BCHTƯ khóa VIII, Nxb CTQG, H. 1998, tr. 40, 55.
Về Đầu Trang Go down
 
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa hiện nay
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Văn hóa quản lý nhà nước và vấn đề nâng cao văn hóa quản lý nhà nước ở nước ta hiện nay
» Nội dung quản lý nhà nước về thể dục thể thao quần chúng.
» QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THỂ DỤC THỂ THAO
» Quản lý nhà nước về Thể dục - Thể thao
» Nội dung quản lý nhà nước về du lịch

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
DIỄN ĐÀN VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN :: NGHIỆP VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC :: VĂN HÓA-
Chuyển đến